Các nghi vấn về Trương Hiến Trung Trương Hiến Trung

1000 thuyền chở bạc bị chìm

Truyền thuyết kể rằng: Hơn 300 năm trước, Trương Hiến Trung mang theo 1000 con thuyền chở các thứ vàng bạc châu báu mà cả đời ông đánh cướp được, đến bến Lão Hổ, trấn Giang Khẩu, huyện Bành Sơn thì bị tướng nhà Minh Dương Triển bất ngờ tập kích, phần lớn đội thuyền đều chìm xuống sông.

Ngày 20/04/2005, một đội thi công cho công trình thủy lợi của huyện Bành Sơn ở bến Lão Hổ, sông Dân, trong khi dùng máy xúc đã đào lên 10 đĩnh lớn bạc trong một xác tàu hàng bị đắm. Qua sơ bộ giám định, cán bộ huyện Bành Sơn cho rằng đây là quan ngân của nhà Minh. Vào 10 giờ 30 phút buổi trưa ngày hôm đó, theo báo "Hoa Tây đô thị": tại khu vực phụ cận cầu sông Dân, khi máy xúc đào sâu 3m dưới lòng sông của bến Lão Hổ, đã đưa lên một cái cây đã mục ruỗng, bên trong ruột có chứa bạc. Nhưng người ta không tìm thấy gì khác nữa trong khu vực.

Cho đến nay, sự thật về những con thuyền chở bạc của Trương Hiến Trung vẫn là một bí ẩn.

Tranh luận về vấn đề "Trương Hiến Trung đồ Thục"

Theo "Minh hội yếu", quyển 50, dân số Tứ Xuyên vào năm Vạn Lịch thứ 6 (1578) là 310 vạn 2730. Theo "Tứ Xuyên đạo chí", quyền 17, vào năm Khang Hi thứ 14 (1685) là 270 vạn 8090. Hơn 30 vạn người mất đi, có phải là do Trương Hiến Trung khi còn ở Tứ Xuyên, đã nhiều lần tiến hành đồ sát, như nhà Thanh và giới nhà văn đương thời tố cáo?

Những buộc tội đối với Trương Hiến Trung

Trong tác phẩm "Trương Hiến Trung đồ Thục ký" do nhà Thanh biên soạn và tu đính sử liệu, chép rằng: năm Thuận Trị thứ 3 (1646), Trương Hiến Trung phải rời bỏ Thành Đô, trong lúc tuyệt vọng, đã tiến hành tàn sát, đốt phá Tứ Xuyên, gây ra thảm cảnh "trông ngóng ngàn dặm, không một bóng người"; là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt hơn 30 vạn người nêu trên. Ngoài ra, hơn 700 quan viên Đại Tây theo Trương Hiến Trung rời khỏi Thành Đô, đến khi ông tử trận ở núi Phượng Hoàng, chỉ còn 25 người, đều là bị ông giết hại.

Hơn 100 năm sau, Bành Tuân Tứ [13] trong 4 quyển "Thục bích" đã mô tả một cách sống động những cuộc đồ sát cực kỳ tàn nhẫn của Trương Hiến Trung ở Tứ Xuyên. Nhà văn Lỗ Tấn trong "Ký thuật", dựa vào tư liệu của "Thục bích", bày tỏ sự căm phẫn đối với Trương Hiến Trung và quân đội nông dân của ông.

Bành Tôn Di trong "Bình khấu chí" chép rằng: Vào năm Sùng Trinh thứ 8, Trương Hiến Trung phá hủy Phượng Dương, sĩ dân bị giết đến mấy vạn, mổ bụng đàn bà chửa, nướng trẻ con trên ngọn giáo, đốt trụi nhà cửa công tư hơn 2650 gian. Năm ấy Trương Hiến Trung chiếm Hòa Châu, ra tay vô cùng độc ác: trói người chồng rồi cưỡng dâm người vợ; buộc người cha phải cưỡng dâm con gái; trói đàn bà chửa vào cột, đoán xem trong bụng là nam hay nữ, rồi mổ ra xem; ném trẻ con vào chảo đang nóng, xem chúng nhảy nhót làm vui; … bắt đi hàng vạn trai gái, trên đường đi không thể mang theo nên giết sạch. Về sau, trong "Thanh giáo nhập Xuyên ký", các giáo sĩ truyền giáo người phương tây cũng chép tương tự.

Con trai của Hoa Dương huyện lệnh Thẩm Vân Tộ (bị quân Đại Tây giết chết) là Thẩm Tuân Úy trong "Thục nạn tự lược" chép rằng: Trương Hiến Trung phá hủy Thành Đô, mấy tòa điện của vương phủ không thể đốt, thì rưới dầu từ trên cao xuống, rồi mới châm lửa. 2 trụ đá Bàn Long, là vật rất lớn, thì đem quấn lụa mấy chục lớp, tẩm dầu ba ngày, châm lửa thì trụ gãy. Quân đội của Trương Hiến Trung đến Tây Sung, không còn trăm họ để giết, thì giết sĩ tốt của mình, một ngày giết 1, 2 vạn người.

Những biện hộ cho Trương Hiến Trung

Tháng 11 năm 2009, học giả Trịnh Quang Lộ sau nhiều năm nghiên cứu, dựa trên nhiều sử liệu, đã xuất bản "Trung Quốc 300 niên lai lịch sử đại huyền án – ‘Trương Hiến Trung tiễu Tứ Xuyên’", là tác phẩm trọng điểm trong năm của Nhà xuất bản Dân tộc Tứ Xuyên.

Tác phẩm phản ánh quá trình thành lập và tiêu vong của chính quyền nông dân Đại Tây, ảnh hưởng của nó đối với lịch sử Trung Quốc, đánh giá một cách trung thực về hình tượng lịch sử của Trương Hiến Trung. Tác phẩm cũng nêu rõ:

  • Năm 1646, Trương Hiến Trung mất, nhà Thanh tuyên bố đã dẹp được hơn 130 doanh, bình xong Tứ Xuyên. Nhưng thật ra, mãi đến năm 1659, nhà Thanh mới chiếm được Trùng Khánh. Phải trải qua 13 năm chiến loạn, nhà Thanh không thể đổ hết trách nhiệm của việc tỉnh Tứ Xuyên thiếu hụt dân số lên đầu Trương Hiến Trung được.
  • Một tờ thiếp của quân Thanh vào năm 1649 công cáo: "dân – giặc lẫn lộn, hoặc giết cả thành, hoặc giết con trai giữ lại con gái."
  • Thêm nữa, nếu Tứ Xuyên "trông ngóng ngàn dặm, không một bóng người" thì lấy ai để phản kháng nhà Thanh suốt 13 năm!?

Bia "Thất sát" và bia "Thánh dụ"

Sau khi Trương Hiến Trung tử trận, nhà Thanh tuyên bố tìm được trong quan thự của ông một tấm bia, vì văn bia có 7 chữ "sát" nên gọi là bia "Thất sát". Văn bia như sau: "thiên sanh vạn vật dĩ dưỡng nhân; nhân vô nhất thiện dĩ báo thiên; sát, sát, sát, sát, sát, sát, sát".

Bia "Thất sát" để lại một ấn tượng sâu sắc trong văn hóa Trung Quốc. Trong một thời gian dài, người ta xem Trương Hiến Trung như một ác nhân cực kỳ ghê sợ, một ma vương giết người không gớm tay,…

Năm 1934, một nhà truyền giáo người Anh tìm được trong một ngôi mộ tập thể ở Quảng Hán một tấm bia, được xác định là của Trương Hiến Trung,gọi là 1 bia "Thánh dụ", văn bia như sau: "thiên sanh vạn vật dữ nhân; nhân vô nhất vật dữ thiên; quỷ thần minh minh, tự tư tự lượng" Lời văn không có chút sát khí nào, hoàn toàn khác hẳn với bia "Thất sát". Bia "Thánh dụ" ngày nay đã được chuyển về công viên Quảng Hán.